Công nghệ thực phẩm hiện nay là một cụm từ được nhiều người biết đến, nhưng ít ai biết những người hoạt động trong ngành này sẽ làm gì và công việc đó ra sao. Đặc biệt là các bạn trẻ, đang là những thí sinh sắp bước vào kỳ thi đại học, đa phần các bạn đều lúng túng khi chọn ngành. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp các thắc mắc, cung cấp những thông tin xoay quanh ngành này.
Công nghệ thực phẩm là gì?
Hiện nay, công nghệ thực phẩm là một ngành học thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến thực phẩm. Tất cả những gì liên quan đến đồ ăn, thức uống, an toàn vệ sinh thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức của ngành này.
Hiểu một cách đơn giản thì ngành này sẽ chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản, kiểm tra, đánh giá chất lượng qua quá trình sản chế biến thực phẩm. Đồng thời sẽ được nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành các dây chuyền sản xuất, bảo quản thực phẩm, tạo nguyên liệu,…
Học gì khi chọn ngành công nghệ chế biến thực phẩm?
Khi tham gia chương trình học của ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về hóa học, sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình phân tích, nguyên liệu chế biến, phương pháp chế biến thực phẩm, đánh giá chất lượng thực phẩm,…
Những kiến thức trên nhằm mục đích tối ưu hóa dinh dưỡng trong việc phục vụ nhu cầu ăn uống của mọi người. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về công nghệ chế biến thịt cá, công nghệ làm đông thủy sản, bảo quản và chế biến lương thực, công nghệ chế biến sữa và chất béo, công nghệ chế biến đường và đồ uống,…
Một số môn học chuyên ngành tiêu biểu của ngành mà sinh viên bắt buộc học như: Hóa sinh học thực phẩm, vi sinh vật học thực phẩm, dinh dưỡng trong thực phẩm, an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm, phân tích thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm,…
Ngoài ra, trong quá trình học ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên sẽ được học thêm, chú trọng phát triển những kỹ năng cần thiết bao gồm kỹ năng mềm và kỹ năng cứng như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng khám phá bản thân, kỹ năng quản lý thời gian,… Và còn được học nhiều môn thể chất khác nhau nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần rèn luyện bản thân.
Học công nghệ thực phẩm sẽ được làm gì, ở đâu?
Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thực phẩm, có thể nhắc đến một số trường đào tạo uy tín ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh như: Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mở,…
Khi học ngành này, sinh viên ngoài việc học trên trường sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt kỹ năng, rèn luyện ngoại ngữ,… Giúp sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, chuẩn bị hành trang tốt trước khi bước vào môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp ngành học này, các bạn sinh viên có thể đảm nhận tốt các công việc sau: Kỹ sư quản lý quá trình chế biến – bảo quản – kiểm định thực phẩm, dây chuyền sản xuất,…tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu hoặc các công ty liên quan đến lương thực thực phẩm.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể ứng tuyển vào các vị trí như chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và các khâu về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng hoặc các trung tâm y tế, trung tâm y tế dự phòng.
Công nghệ thực phẩm có phải là một ngành đang hot?
Ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu về việc làm và giải quyết việc làm là một việc rất quan trọng, ngành công nghệ chế biến thực phẩm được đánh giá là một ngành có tương lai vững vàng, ngành học này đầy sự tiềm năng. Dưới đây là những lý do ngành này có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay.
Dựa vào dự đoán tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2018 tỷ lệ nhu cầu nhân lực ngành công nghệ chế biến thực phẩm tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Với dân số trên 98 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh khoảng 7.5%/năm, vì vậy nên nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm ngày càng phong phú.
Đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch, được chế biến an toàn, vệ sinh, Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến việc sản xuất, chế biến những sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy ngành học này vô cùng tiềm năng và có cơ hội việc làm cao.
Công nghệ thực phẩm Việt Nam hiện đã vươn tầm quốc tế
Việt Nam đang trên con đường xây dựng và phát triển những thương hiệu về thực phẩm nói chung hay xây dựng thương hiệu ngành nông sản nói riêng. Sản phẩm của Việt Nam đang dần được ghi nhận, tạo được hình ảnh tốt, ấn tượng sâu sắc đối với bạn bè quốc tế.
Trong vòng 20 năm tới, với tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng cao, kết hợp với việc phát triển các khu vực đô thị hóa và gia tăng thị trường bán lẻ. Những điều này sẽ thúc đẩy người dân quan tâm hơn và có nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm, thực phẩm được chế biến an toàn, chất lượng cao.
Nhận được nhiều sự đầu tư,hỗ trợ từ nước ngoài
Nông nghiệp là một ngành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, vì vậy ngành công nghệ thực phẩm đang có những định hướng để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo một chuyên gia xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Đông Nam Á, đặc biệt là thị trường Việt Nam.
Trong đó lĩnh vực được nhắm đến chính là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Để đảm bảo được sự đầu tư được bền vững và hiệu quả, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên có các phương án để quy hoạch vùng nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Đồng thời có kế hoạch sử dụng đất hợp lý cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài để thu hút, hướng đến những dự án lâu dài. Có được sự hậu thuẫn từ bạn bè thế giới, chắc chắn ngành công nghệ thực phẩm chắc chắn sẽ phát triển hơn trong tương lai.
Thiếu lao động có trình độ
Theo một số chuyên gia, đến năm 2020 ngành Nông – Lâm – Ngư sẽ thiếu khoảng 3.2 triệu lao động đã qua đào tạo, qua trường lớp. Theo trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin về thị trường lao động của Thành phố Hồ Chí Minh dự báo trong 10 nhóm ngành hot của thị trường lao động trong 5 năm tới, chắc chắn có ngành công nghệ thực phẩm.
Những vấn đề xoay quanh công nghệ thực phẩm
Để tìm hiểu kỹ hơn về ngành công nghệ thực phẩm, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh ngành này ngay bên dưới đây.
Lợi ích của ngành công nghệ thực phẩm
Ngành này mang lại nhiều lợi ích to lớn, loại bỏ độc tố của thực phẩm, bảo quản và giảm bớt các nhiệm vụ tiếp thị, phân phối và làm tăng tính nhất quán của thực phẩm. Cho phép vận chuyển các loại thực phẩm dễ hỏng đi xa, làm thực phẩm an toàn hơn bằng cách phá hỏng hoạt động của các vi sinh vật gây bệnh.
Ngành chế biến còn làm giảm tỷ lệ mắc bệnh do thực phẩm, vì các sản phẩm này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ra mắt thị trường. Vì vậy ngành chế biến thực phẩm được ưu tiên phát triển rộng rãi, nhằm đáp ứng nhu cầu của con người trong thời đại hiện nay.
Phương pháp chế biến thực phẩm
Khi ngành công nghệ thực phẩm chưa phát triển, các phương pháp chế biến thực phẩm sẽ bao gồm: Xử lý nhiệt, lên men, ngâm giấm, sấy khô, đóng gói. Tuy nhiên hiện nay thì công nghệ đã phát triển, ngành này cũng đảm bảo các quy trình hơn trước, bao gồm có các quy trình:
- Đóng hộp: Thức ăn sẽ được làm nóng đến nhiệt độ cao, giúp thực phẩm được thanh trùng, sau đó được đóng gói và bảo quản trong hộp kín.
- Lên men: Sự phân hủy của vi khuẩn, nấm men hoặc các vi sinh vật trong điều kiện yếm khí, phương pháp này thường được sử dụng cho các đồ uống như: Rượu, bia, hoặc thực phẩm như: Xúc xích, dưa cải muối, sữa chua,…
- Đóng băng: Phương pháp này sẽ giảm nhiệt độ của thực phẩm xuống 0 độ C để giảm quá trình hoạt động của vi khuẩn có hại, thường được sử dụng cho các loại thực phẩm như: Trái cây, rau, thịt, cá,…
- Thanh trùng: Thức ăn sẽ được làm nóng và sau đó để nguội, nhằm tiêu diệt vi khuẩn.
Mức lương ban đầu của ngành công nghệ thực phẩm
Ngành công nghệ chế biến thực phẩm đã phát triển trên thế giới những năm 1970, nhưng ở Việt Nam ngành này chỉ mới phát triển trong 20 năm gần đây. Tại Việt Nam, với 3 đến 5 năm kinh nghiệm, bạn sẽ nhận được mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
Từ 5 năm trở lên, tùy vào trình độ và kỹ năng, sự đóng góp cho doanh nghiệp, công ty mà mức lương sẽ tăng dần lên, mức lương của các chuyên gia công nghệ thực phẩm hiện nay là 50 đến 70 triệu đồng.
Những khó khăn, thách thức của ngành chế biến thực phẩm
Bên cạnh những cơ hội tuyệt vời, các thách thức vẫn sẽ luôn tồn tại, những phát triển trong khoa học và công nghệ của ngành này luôn gặp phải sự cản trở. Điều cần thiết là phải nâng cao được chất lượng nhân sự trong ngành, đảm bảo được nhân sự có kiến thức đa dạng, có thể áp dụng được vào thực tế.
Khi thị trường lao động của ngành công nghệ chế biến ngày càng thu hút được nhiều nhân sự, thì sự cạnh tranh giữa các nhân sự là điều không thể tránh được. Để không gặp phải nhiều khó khăn, mọi người không chỉ cần có bằng cấp mà còn đòi hỏi phải có kinh nghiệm, ngoài ra phải tạo được sự uy tín.
Kết luận
Những thông tin trên, sẽ giúp bạn phần nào đó hiểu hơn về ngành công nghệ thực phẩm, không còn lo lắng, phân vân có nên học ngành này không. Ngay từ bây giờ, hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật tốt khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó có những kết quả cao nhất và đậu vào ngành này nhé.